Thuyền đò
Nhà Hàng
Khách Sạn - Nhà Nghỉ
Cáp treo
Di tích
Đã thành thông lệ từ hàng trăm năm nay, vào những ngày đầu xuân, du khách thập phương lại nô nức về trảy hội chùa Hương. Chuyến hành trình linh thiêng về miền đất Phật là một trong những lễ hội xuân gây tiếng vang lớn nhất ở miền Bắc và trở thành nét văn hóa mang đậm bản sắc Việt. Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, những ngôi đền thờ thần, những ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp... Trung tâm chùa Hương nằm ở ven bờ phải sông Đáy thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 50km. Theo truyền thuyết thì ở vùng “linh sơn phúc địa này” vào thế kỷ đầu tiên đã có công chúa Diệu Thiện tục gọi là chúa Ba ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm đã vào tu hành 9 năm, đắc đạo thành Phật đi cứu độ chúng sinh. Bởi vậy mà hàng năm, mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp 4 phương lại nô nức về trảy hội. Ở trong chùa có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn. Lễ hội chùa Hương là lễ hội kéo dài nhất miền Bắc cũng như cả nước (từ mùng 6 tháng giêng cho tới hết tháng 3 âm lịch). Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng hai âm lịch. Do mỗi mùa lễ hội thu hút con số du khách lên tới hàng triệu nên đây là thời điểm mà danh thắng chùa Hương bỗng trở nên đông đúc và ồn ào hơn bao giờ hết. Từ thời nhà Nguyễn, danh sĩ Phan Huy Chú trong một lần về đây vãn cảnh đã từng nói: “Nơi đây là lễ hội vui nhất nước Nam”.
Phần lễ chùa Hương thực hiện rất đơn giản, có nghiêng về "thiền". Nhưng ở chùa ngoài lại thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo. Đền Cửa Võng là "chân long linh từ" thờ bà chúa Thượng Ngàn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là "tì nữ tuý Hồng" của sơn thần tối cao. Chùa Bảo Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cá và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần. Chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ. Trong lúc chạy đàn, hai vị tăng ni múa rất dẻo và đẹp mắt. Từ ngày mở hội cho đến hết hội, chỉ thỉnh thoảng mới có sư ở các chùa trên đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các chùa, miếu, đền. Còn hương khói thì không bao giờ dứt.
Phần hội chùa Hương mang đậm nét thanh tịnh của miền đất Phật, tạo nên sự hài hòa giữa con người và cảnh vật, không gian. Xuôi theo dòng nước, đường vào chùa Hương tấp nập hàng trăm thuyền qua lại. Có lẽ cảm giác ngồi trên những con đò nhỏ, men theo thung lũng suối Yến là thi vị nhất. Tới đây, người ta mới cảm nhận được những nét đẹp của chùa Hương, giống như những lời thơ của thi nhân Chu Mạnh Trinh từng ca ngợi: “Bầu trời cảnh bụt Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay Kìa non non, nước nước, mây mây "Đệ nhất động" hỏi rằng đây có phải”… Tiếp đó là hành trình vãn cảnh chùa chiền, leo núi, tham quan hang, động. Cuộc leo núi tạo ra trong con người tâm lý kỳ vọng, muốn vươn đến và chinh phục đỉnh cao. Và sự kỳ vọng đó hẳn sẽ làm cho con người thêm phần sảng khoái tin yêu cuộc đời này hơn.
Trong quần thể chùa Hương có con đường lên động Hương Đài khá quanh co, thuyền phải đi sâu vào trong các hẻm núi, theo những lối mòn, leo qua khoảng hơn trăm bậc đá thì tới cửa động. Từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng thắng cảnh Hương Sơn trùng điệp núi non. Trên vách núi, những gốc mơ cổ thụ bám chặt vào đá, khung cảnh nơi này hoang sơ hơn so với dọc hai bên bờ dòng suối Yến. Không mất quá nhiều thời gian, chỉ tầm từ sáng sớm tới chiều là du khách hoàn toàn có thể khám phá hầu hết những nơi đẹp và linh thiêng nhất của chùa Hương. Vậy là đủ cho một chuyến hành trình tìm về sự bình yên, tự tĩnh lặng và thâm trầm chốn thiền phật. Xuân mới đang về và vẫn như bao năm cũ, mỗi người con Việt Nam hay cả những người con xa xứ lại háo hức lên kế hoạch về miền đất Phật, để dâng lên nén hương tỏ lòng thành kính, để hòa mình vào thiên nhiên trời đất bao la, thả hồn bền dòng suối Yến thơ mộng và tìm cho riêng mình khoảng lặng bình yên trong tâm hồn.